Chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng cách nào là thắc mắc nhận được nhiều sự quan tâm. Có các phương pháp điều trị bệnh chính như nào, phù hợp với tình trạng bệnh cụ thể ra sao? Cùng Dược Mỹ Phẩm Khang Linh tìm hiểu về thắc mắc chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng cách nào nhé!
Xem thêm:
- 7 Bài thuốc chữa thoái hóa đốt sống lưng bằng lá lốt
- Cách chữa thoái hóa cột sống bằng dân gian tại nhà hiệu quả
- Phương pháp chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng diện chẩn hiệu quả
- Phương pháp chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng châm cứu
Nội dung bài viết
1. Bệnh thoái hóa đốt sống cổ là gì, phổ biến ở những đối tượng nào?
Bệnh thoái hóa cột sống cổ là tình trạng hao mòn của các sụn khớp và xương ảnh hưởng đến chức năng của các khớp và đĩa đệm tại vùng cột sống cổ. Căn bệnh này có khả năng biến chứng thành bệnh mạn tính, gây ra tình trạng cứng khớp và có thể làm suy giảm khả năng vận động của người bệnh.
Nhiều trường hợp mắc bệnh thoái hóa cột sống cổ nhưng lại không xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Tuy nhiên, có một số người bệnh sẽ thấy xuất hiện các cơn đau nghiêm trọng cùng với một số biểu hiện khác nhau như là:
- Đau cổ khiến cho các vận động vùng cổ gặp phải khó khăn, vướng hoặc thậm chí là bị vẹo cổ
- Đau nhức ở vùng cổ sau, sau đó lan dần ra phía vùng gáy, vùng chẩm, đỉnh đầu, trán, bả vai và cả 2 bên cánh tay…
- Tê liệt, mất cảm giác ở các tay.
- Thường xuất hiện tình trạng cứng cổ sau khi ngủ dậy, gây đau khi di chuyển, ho hoặc khi hắt hơi.
- Dấu hiệu Lhermitte khiến cho người bệnh có cảm giác đau đớn và khó chịu như là có luồng điện chạy từ cổ xuống đến sống lưng và các chi.

2. Chẩn đoán bệnh thoái hóa đốt sống cổ bằng phương pháp nào?
Triệu chứng của bệnh thoái hóa đốt sống cổ tương đối điển hình, đó là các triệu chứng đau nhức âm ỉ hoặc dữ dội ở cột sống cổ tùy theo vị trí bị thoái hóa. Cùng với đó, các cơ cổ vai gáy dễ gặp phải tình trạng bị cứng vào buổi sáng sớm, khiến cho người bệnh mất nhiều thời gian dài xoa bóp mới có thể thực hiện các vận động được.
Thoái hóa đốt sống cổ nặng có thể sẽ dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như là: rối loạn tiền đình, rối loạn các dây thần kinh thực vật, biến dạng cột sống, chèn ép vào các dây thần kinh, gây đau tức ngực,…
Cho dù các triệu chứng của bệnh tương đối rõ ràng song để điều trị được bệnh một cách hiệu quả, người bệnh cần chẩn đoán kết hợp các triệu chứng lâm sàng cùng với các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, có thể là:
2.1. Chụp X-quang
X-quang là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nhanh, đơn giản và tương đối phổ biến. Qua hình ảnh chụp X-quang, bác sĩ có thể kiểm tra được tình trạng tổn thương cột sống cổ như là: các chấn thương xương, mất đĩa, mất sụn, gai đốt xương,…
2.2. Chụp cộng hưởng từ MRI
Đối với các chấn thương phần mềm, kỹ thuật chụp X-quang không có giá trị chẩn đoán cao, thay vào đó thì phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI sẽ cho hình ảnh rõ nét hơn. Cụ thể đó là các tổn thương dây thần kinh, tổn thương đĩa đệm ở các vùng cột sống bị thoái hóa.
2.3. Một số xét nghiệm khác
Bên cạnh chẩn đoán hình ảnh là phương pháp chẩn đoán thoái hóa đốt sống chính, bệnh nhân có thể được chỉ định làm xét nghiệm máu để loại trừ nguyên nhân bệnh lý khác như: lao cột sống, viêm cột sống dính khớp,…
3. Chữa bệnh thoái hóa đốt sống cổ bằng cách nào?
Hiện nay có ba phương pháp điều trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ chính được áp dụng đó là: Điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa và phương pháp trị liệu thần kinh kết hợp với vật lý trị liệu. Mỗi phương pháp điều trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, phù hợp với từng trường hợp người bệnh khác nhau. Cụ thể các phương pháp điều trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ cụ thể đó là:
3.1. Điều trị nội khoa thoái hóa đốt sống
Các triệu chứng của bệnh thoái hóa đốt sống cổ có thể giảm bớt khi sử dụng các thuốc như sau theo chỉ định của bác sĩ:
- Các thuốc giãn cơ.
- Các thuốc chống viêm không Steroid.
- Thuốc giảm đau như Paracetamol, Paracetamol kết hợp với Codein.
- Các thuốc corticoid dùng để tiêm tại chỗ.
- Các thuốc điều trị triệu chứng như là thuốc ức chế IL1, Glucosamine Sulfate.
Những loại thuốc trên về cơ bản sẽ chỉ có tác dụng giảm đau, giảm các triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ tạm thời, không có tác dụng triệt để khắc phục được những vấn đề về cấu trúc cột sống đã bị thoái hóa. Vì thế, sau khi ngưng dùng thuốc, tình trạng đau đớn do bệnh thoái hóa đốt sống cổ gây ra sẽ quay trở lại và thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh điều trị bằng thuốc thì còn phương pháp điều trị không phẫu thuật, hay còn được gọi là điều trị kéo dài, là phương pháp điều trị giãn đốt sống được khuyến cáo sử dụng trong hầu hết các trường hợp có hoặc không có các triệu chứng liên quan đến thần kinh.
Phần lớn các bệnh nhân thoái hóa đốt sống đều có đáp ứng với điều trị bảo tồn. Các phương điều trị bảo tồn chủ yếu bao gồm các biện pháp vật lý trị liệu, nẹp ngắt quãng, tập thể dục nhịp điệu, can thiệp dược lý và tiêm steroid ở ngoài màng cứng. Đa số bệnh nhân bị bệnh thoái hóa đốt sống cổ không cần can thiệp phẫu thuật.
Điều trị nội khoa thường được sử dụng trong các đợt đau cấp do bệnh thoái hóa đốt sống cổ gây ra hoặc giảm đau trong thời gian đợi các phương pháp điều trị khác. Cần lưu ý việc lạm dụng các loại thuốc điều trị có thể gây hại đến dạ dày. Chính vì thế bệnh nhân cần lưu ý sử dụng thuốc đúng điều trị theo chỉ định của các bác sĩ.
3.2. Điều trị bệnh thoái hóa đốt sống bằng phương pháp ngoại khoa
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ nếu như không can thiệp thì rất khó để phục hồi được chức năng của cột sống cũng như giảm cảm giác đau đớn triệt để. Nhưng phương pháp phẫu thuật cột sống cổ là một loại can thiệp khó, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm đối với sức khỏe của người bệnh.
Rủi ro khi phẫu thuật thoái hóa đốt sống bao gồm các rủi ro từ quá trình gây mê toàn thân như là tổn thương não, đột quỵ, đau tim, đau họng, buồn nôn, ớn lạnh, khô miệng… Bên cạnh đó, cuộc phẫu thuật có thể gây ra tình trạng rối loạn đông máu, nhiễm trùng, ảnh hưởng tới dây thần kinh và đau nhức một cách nghiêm trọng hơn.
Do đó, đối với các trường hợp người bị thoái hóa đốt sống cổ cần điều trị ngoại khoa, bệnh nhân nên đi thăm khám tại cơ sở chuyên khoa, chẩn đoán chính xác được vị trí bị thoái hóa đốt sống cũng như là tình trạng bệnh, các dây thần kinh bị chèn ép. Từ đó bác sĩ sẽ xem xét và đưa ra lời khuyên có nên can thiệp ngoại khoa trực tiếp vào khu vực gặp vấn đề hay không.

3.3. Điều trị thoái hóa đốt sống cổ bằng trị liệu thần kinh cột sống kết hợp với phương pháp vật lý trị liệu
Hiện nay, việc điều trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ bằng phương pháp trị liệu thần kinh cột sống, vật lý trị liệu,… được đánh giá là tương đối an toàn và hiệu quả lâu dài, thay cho việc dùng thuốc hay phẫu thuật tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Khi luyện tập một cách phù hợp, dần dần người bệnh có thể được nắn chỉnh lại cấu trúc cột sống cổ bị sai lệch về đúng lại vị trí, đồng thời giải phóng cho các dây thần kinh bị chèn ép.
Vật lý trị liệu có thể đánh giá và giải quyết được các bất thường về tư thế và vận động bù trừ. Phương pháp vật lý trị liệu chủ yếu bao gồm các bài tập kéo dài và uốn cong cột sống với trọng tâm là để ổn định cốt lõi và tăng cường sức khỏe cơ bắp.
Khi tình trạng này đã được cải thiện, các triệu chứng sẽ thuyên giảm tận gốc, an toàn và không gây tác dụng phụ. Ngoài ra, một số phương pháp tác động khác được áp dụng để điều trị thoái hóa đốt sống có hiệu quả tương đối tốt như là: xoa bóp, châm cứu, điều trị bằng siêu âm, nắn chỉnh cột sống, kích thích điện,…
Người bị bệnh thoái hóa đốt sống cổ cũng cần lưu ý điều chỉnh tư thế ngồi, đi, đứng,… sao cho phù hợp để giúp giảm đau, giảm tốc độ tiến triển bệnh.
Như vậy, câu hỏi chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng cách nào đã được giải đáp trong bài viết trên. Có nhiều phương pháp điều trị bệnh khác nhau, phụ thuộc vào tình trạng thoái hóa đốt sống cổ của người bệnh và chỉ định của bác sĩ.