Giấc ngủ chất lượng có vai trò rất quan trọng cho sức khỏe, vì thế những người bị mất ngủ thường bị ảnh hưởng nhiều đến công việc và cuộc sống hàng ngày. Nắm rõ được nguyên nhân mất ngủ sẽ giúp bạn tìm được biện pháp dự phòng chứng bệnh này. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu về nguyên nhân mất ngủ trong bài viết của Dược Mỹ Phẩm Khang Linh dưới đây.
Nội dung bài viết
1. Mất ngủ gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
Mất ngủ là tình trạng gặp phải những rối loạn liên quan đến giấc ngủ như trằn trọc khó vào giấc ngủ, hay bị tỉnh giấc và rất khó vào lại giấc ngủ, đi ngủ muộn nhưng thức giấc rất sớm. Tình trạng mất ngủ làm bạn mệt mỏi, tinh thần uể oải, tinh thần khó tập trung để làm việc dẫn đến ảnh hưởng tới chất lượng công việc và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Mất ngủ có nhiều dạng như:
- Mất ngủ ban đêm: Người bình thường ngủ ít nhất 7-8 tiếng mỗi đêm nhưng người mất ngủ thường chỉ ngủ được dưới 6 tiếng mỗi đêm, thậm chí có đêm chỉ ngủ được 3-4 tiếng là thức giấc, không ngủ được tiếp nữa.
- Mất ngủ kinh niên kéo dài nhiều tháng thậm chí hàng năm, không được điều trị sẽ làm suy giảm sức khỏe của người bệnh rất nhiều. Đặc biệt, điều trị mất ngủ kinh niên sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian, đồng thời cần sự phối hợp chặt chẽ của bệnh nhân để phác đồ đạt hiệu quả tốt nhất.
- Mất ngủ sau sinh là tình trạng phổ biến thường gặp do ảnh hưởng của đau tầng sinh môn, đau vết mổ, rối loạn hooc môn dẫn đến lo âu, trầm cảm và việc chăm em bé sau sinh thường phải thức khuya, thức dậy giữa đêm nên gây rối loạn giấc ngủ.

- Rối loạn giấc ngủ: Bao gồm cả tình trạng mất ngủ vào ban đêm, ngủ nhiều vào ban ngày nhưng cảm thấy chưa đủ và cơ thể vẫn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải. Hoặc khi ngủ bạn thường mộng du, nghiến răng, giật mình sợ hãi bất chợt.
2. Những nguyên nhân mất ngủ phổ biến thường gặp
2.1. Lo lắng, căng thẳng là nguyên nhân mất ngủ thường gặp
Tình trạng lo lắng, căng thẳng quá mức làm não bộ bạn không được nghỉ ngơi và phải hoạt động nhiều hơn vào ban đêm dẫn đến mất ngủ. Lo lắng có thể xuất phát từ công việc, vấn đề học hành, sức khỏe của người thân. Hoặc tâm trạng phiền muộn, buồn rầu do người thân mất, ốm đau đột ngột, mất công việc yêu thích, ly hôn,… cũng có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ.
Nếu các lo lắng, phiền muộn không được giải quyết sớm, tình trạng này kéo dài có thể gây ra bệnh mất ngủ mãn tính.
2.2. Bệnh lý rối loạn tâm thần
Một số hội chứng rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn căng thẳng sau chấn thương đều có thể gây ra ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Các hội chứng này thường gây ra lo lắng, sợ hãi mà bản thân người bị không thể tự giải tỏa được dẫn đến mất ngủ kéo dài.
2.3. Nguyên nhân mất ngủ là do thay đổi hooc môn
Nam giới thường có tỷ lệ bị mất ngủ thấp hơn nữ giới rất nhiều. Vì sự thay đổi hooc môn đột ngột có thể gây ra tình trạng mất ngủ. Phụ nữ thường bị thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai, sau sinh và thời kỳ mãn kinh. Ở thời kỳ tiền mãn kinh và sau mãn kinh, sự thiếu hụt estrogen có thể gây ra chứng bốc hỏa, thay đổi tâm lý và dễ bị mất ngủ.
2.4. Sử dụng thuốc
Một số người thường có thói quen tự ra hiệu thuốc mua thuốc về để sử dụng khi cơ thể có triệu chứng bất thường, không đi khám dẫn đến dễ bị lạm dụng thuốc. Ví dụ như các loại thuốc giảm đau, thuốc chống ngạt mũi rất thông dụng, dễ mua nhưng trong thành phần thường có chứa caffeine là chất kích thích.
Nếu lạm dụng những loại thuốc này thường xuyên có thể gây ra chứng mất ngủ kéo dài. Bên cạnh đó, một số loại thực phẩm chức năng để giảm cân cũng có chứa caffeine, bạn cần tìm hiểu kỹ về thành phần trước khi sử dụng.
Một số thuốc kê đơn theo chỉ định bác sĩ cũng có thể gây ra tác dụng phụ rối loạn giấc ngủ như thuốc chống trầm cảm, thuốc tim mạch, huyết áp, thuốc chống dị ứng. Khi sử dụng những loại thuốc này mà bạn bị mất ngủ kéo dài cần thông báo với bác sĩ điều trị để bác sĩ điều chỉnh lại phác đồ sao cho phù hợp.
2.5. Sử dụng đồ uống có chất kích thích
Các loại đồ uống như cà phê, trà, nước ngọt có gas, nước tăng lực đều có chứa caffeine gây kích thích não bộ, giúp bạn hưng phấn, tỉnh táo ngay sau khi sử dụng. Nếu bạn lạm dụng những đồ uống này gần với giờ đi ngủ sẽ gây ra tình trạng khó đi vào giấc ngủ.
Rượu bia và đồ uống có cồn không có chứa caffeine và có thể giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ nhưng ở giai đoạn ngủ sâu và chuyển giấc sẽ khiến bạn trằn trọc, khó vào giấc tiếp theo hơn. Ngoài ra, thuốc lá có chứa nicotin là thành phần không tốt cho sức khỏe hệ hô hấp và không tốt cho não bộ, cũng là một nguyên nhân dẫn đến mất ngủ.
2.6. Nguyên nhân mất ngủ: Tác động của ngoại cảnh, môi trường
Nếu bạn sinh sống ở khu vực gần công trường hay đường lớn, thường xuyên có tiếng ồn vào ban đêm sẽ làm bạn khó đi vào giấc ngủ hơn. Những tiếng động mạnh đột ngột có thể làm bạn tăng nhịp tim, giật mình thức giấc và rất khó để ngủ tiếp. Nếu môi trường sống xung quanh nhiều tiếng ồn, bạn nên thiết kế phòng ngủ cách âm để có chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
Ngoài ra, thiết kế phòng ngủ quá nhiều cửa sổ làm ánh sáng bên ngoài hắt vào cũng sẽ gây ảnh hưởng làm bạn khó ngủ hơn.
2.7. Mắc các bệnh lý khác
Tình trạng mất ngủ có thể xuất hiện sau khi bạn mắc các bệnh lý như viêm khớp, thoái hoá khớp, tiểu đường, tim mạch, ung thư, phì đại tuyến tiền liệt, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh tuyến giáp,… Khi mắc các bệnh lý này, bạn cần tuân thủ điều trị theo chỉ định bác sĩ, các bệnh lý được cải thiện tốt thì tình trạng mất ngủ cũng được khắc phục.
2.8. Nguyên nhân mất ngủ: Thay đổi môi trường
Khi bạn đi công tác hay du lịch đến tỉnh thành, khí hậu và môi trường thay đổi làm cơ thể chưa kịp thích nghi cũng có thể gây ra tình trạng mất ngủ. Đặc biệt, việc du học hay chuyển đến đất nước khác sinh sống có sự chênh lệch múi giờ làm nhịp sinh hoạt của bạn bị đảo lộn. Lúc này bạn có thể bị mất ngủ một thời gian do cơ thể cần thời gian để điều chỉnh lại chu kỳ giấc ngủ và sự trao đổi chất.
2.9. Thói quen sinh hoạt không lành mạnh
Ngoài ra, một số thói quen xấu trong sinh hoạt có thể làm bạn khó ngủ hơn như xem tivi, điện thoại quá nhiều trước khi đi ngủ; ít hoạt động thể dục, thể thao; ăn quá no hoặc ăn nhiều đồ cay, nóng, đồ nhiều dầu mỡ trước khi ngủ làm trào ngược dạ dày; uống quá nhiều nước vào buổi tối dẫn đến tiểu đêm, làm gián đoạn giấc ngủ.
2.10. Vấn đề tuổi tác và cân nặng
Tuổi tác: Ở những người có độ tuổi trên 60 thường có nguy cơ bị mất ngủ cao hơn người trẻ. Người cao tuổi thường có xu hướng ngủ nhiều vào giấc trưa, gặp khó khăn để vào giấc đêm và thức dậy rất sớm vào buổi sáng.
Béo phì: Theo một số nghiên cứu, tình trạng béo phì thường có liên quan đến rối loạn giấc ngủ. Trong tổng số những người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày có đến 33% người bị béo phì. Trong tổng số những người ngủ 7-8 tiếng mỗi ngày thì có đến 22% người bị béo phì.

3. Cách phòng ngừa mất ngủ
Các nguyên nhân mất ngủ bạn đã nắm rõ thông tin ở phần bên trên, vậy để cải thiện chất lượng giấc ngủ, phòng ngừa tình trạng mất ngủ bạn cần nắm rõ những thông tin sau:
- Xây dựng lịch làm việc, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý và thực hiện theo giờ giấc cố định hàng ngày kể cả ngày cuối tuần. Với người trưởng thành nên ngủ trưa trong khoảng 30 phút đến 1 tiếng và hình thành thói quen ngủ tối trước 23 giờ đêm, thức dậy lúc 6-7 giờ sáng.
- Xây dựng kế hoạch rèn luyện thể dục thể thao phù hợp với thời gian biểu của bản thân. Mỗi ngày nên dành ra tối thiểu 30 phút để tập những bộ môn như chạy bộ, nhảy dây, bơi lội, đạp xe,… Rèn luyện thể dục thể thao đều đặn giúp bạn phòng ngừa tình trạng béo phì, thừa cân, tăng các hoạt động chuyển hoá, tăng lưu lượng máu đến não, giúp bạn ngủ ngon hơn.
- Trước khi đi ngủ bạn có thể áp dụng một số cách sau để vào giấc nhanh hơn như tập yoga, ngồi thiền khoảng 30 phút, ngâm chân bằng nước ấm, sử dụng tinh dầu để xịt phòng hoặc massage nhẹ nhàng cổ tay và vùng vai gáy.
- Hạn chế dùng các thiết bị điện tử như ti vi, điện thoại, ipad ngay sát giờ ngủ.
- Không ăn uống quá sát giờ ngủ và hạn chế các loại thức ăn gây hại cho dạ dày để giảm thiểu nguy cơ trào ngược dạ dày vào ban đêm.
Như vậy, hiểu rõ về nguyên nhân mất ngủ giúp bạn rút ra được những kinh nghiệm để phòng tránh tình trạng này hiệu quả. Chất lượng giấc ngủ tốt sẽ giúp bạn khỏe mạnh, hoàn thành tốt công việc và có chất lượng cuộc sống tốt hơn.