Người bị viêm khớp dạng thấp nên ăn gì? là điều mà nhiều người thắc mắc bởi chế độ ăn uống có ảnh hưởng lớn đến tình trạng bệnh xương khớp. Người bệnh không những cần lưu ý nên ăn gì mà cần phải hạn chế những thực phẩm gây ảnh hưởng xấu đến bệnh. Vì vậy, hãy cùng Dược Mỹ Phẩm Khang Linh tìm hiểu về viêm khớp dạng thấp nên ăn gì?
Xem thêm:
- Hướng dẫn: xoa bóp bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ
- TOP 10 bài tập thể dục chữa thoái hóa khớp gối hiệu quả
- Chữa thoái hóa khớp bằng đông y có tốt không?
- Giải đáp: Chữa thoái hóa khớp bằng gừng có hiệu quả không?
Nội dung bài viết
1. Vai trò của chế độ ăn uống đối với bệnh viêm khớp dạng thấp
Hiện tại, viêm khớp dạng thấp là bệnh lý vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm và người bệnh sẽ phải sống chung với nó suốt đời. Những phương pháp điều trị chỉ có tác dụng giúp làm giảm quá trình tiến triển của bệnh cũng như giúp giảm thiểu những triệu chứng khó chịu, đau nhức mà bệnh gây ra.
Trong khi đó, chế độ dinh dưỡng, ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với người bị bệnh viêm khớp dạng thấp. Nếu như ăn uống phù hợp và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa thì sẽ giúp các triệu chứng của bệnh được thuyên giảm đáng kể.

Ngược lại, nếu như chế độ ăn uống không phù hợp, ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều thành phần kích thích các phản ứng viêm, sưng thì bệnh có thể sẽ tiến triển nhanh hơn, nặng hơn và các triệu chứng cũng trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cũng như cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
2. Người bị bệnh viêm khớp dạng thấp nên ăn gì?
2.1. Chế độ ăn giàu omega-3
Nhiều nghiên đã chứng minh rằng tăng cường axit béo omega-3 trong chế độ ăn có thể sẽ giúp giảm tình trạng viêm. Các loại cá béo chẳng hạn như cá ngừ, cá hồi, cá thu, cá trích…và hạt lanh, hạt chia và quả óc chó rất giàu omega-3.
Ngoài ra, omega-3 còn có tác dụng hỗ trợ các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp giúp phát huy công dụng của chúng. Do đó, việc bổ sung thực phẩm chứa omega-3 trong thời gian uống thuốc điều trị viêm khớp sẽ đem lại hiệu quả tốt.
2.2. Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Các loại thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa là một cách giúp giảm viêm tự nhiên. Trái cây và các loại rau củ có màu sắc tươi sáng thường có chứa flavonoid và carotenoid – những chất chống oxy hóa mạnh. Nên khi bạn ăn đa dạng rau củ quả nhiều màu thì triệu chứng viêm sẽ giảm bớt.
Chế độ ăn của người bị viêm khớp dạng thấp cần có nhiều loại rau quả màu xanh như bông cải xanh, rau bina, rau ngót, bí đao…; màu vàng như khoai lang, xoài, đu đủ…; màu cam như cà rốt, cam…; màu đỏ như táo, cà chua, dưa hấu…; màu trắng như bắp cải, củ cải, dưa lê…và màu tím như nho, mâm xôi, việt quất…
Chưa hết, trong trái cây và rau còn chứa nhiều enzym tiêu hóa và những hợp chất chống viêm giúp làm giảm sưng khớp và cải thiện đáng kể khả năng vận động của khớp.
2.3. Bổ sung dầu ô liu
Dầu ô liu nguyên chất là một nguồn bổ sung axit béo không bão hòa đơn dồi dào. Không những vậy, dầu ô liu còn giữ lại tất cả những thành phần có lợi của quả, đặc biệt là những hợp chất phenolic có đặc tính giúp chống oxy hóa và chống viêm mạnh. Việc thường xuyên sử dụng dầu ô liu có hàm lượng phenolic cao đã được nghiên cứu chứng minh là giúp chống lại tình trạng viêm hiệu quả.
2.4. Các loại ngũ cốc nguyên hạt
Khi ăn nhiều loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, quinoa… thay vì những loại hạt đã qua chế biến như gạo trắng, mì, bún, bánh mì…, người bệnh có thể giảm mức CRP trong cơ thể. Ngoài ra, ngũ cốc nguyên hạt là chất xơ nên chúng tạo cảm giác no lâu, giúp bạn dễ dàng kiểm soát được cơn thèm ăn. Nhờ đó mà bạn sẽ duy trì được cân nặng hợp lý và không tạo thêm áp lực lên khớp.
2.5. Các loại rau củ
Một số loại củ có chứa nhiều hoạt chất có tác dụng chống viêm tự nhiên được rất nhiều người bệnh viêm khớp ưa chuộng như:
- Gừng: Rễ gừng được coi là phương thuốc chữa bệnh RA và giảm viêm hiệu quả. Do vậy, chẳng có gì ngạc nhiên nếu người bệnh RA thường cho thêm vài lát gừng vào trà, hoặc có thể dùng gừng như một gia vị khi chế biến các món ăn.
- Nghệ: Curcumin là thành phần tạo nên màu vàng của nghệ, nó hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh. Ngoài ra, curcumin còn có tác dụng chống viêm và khử trùng nên sẽ làm chậm đáng kể sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Tỏi: Là gia vị có tác dụng chống viêm và giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp. Tăng cường ăn và bổ sung tỏi trong thực đơn còn giúp hệ miễn dịch của người bệnh hoạt động mạnh mẽ hơn và đẩy lùi cơn đau khớp.
2.6. Bổ sung các loại hạt và quả hạch
Quả hạch và các loại hạt là chính nguồn cung cấp chất béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn, giúp làm giảm cholesterol trong máu cũng như giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và viêm khớp. Chúng cũng là nguồn thực phẩm cung cấp protein, vitamin và khoáng chất chống oxy hóa đa dạng và dồi dào. Ngoài ra, một số loại hạt còn chữa nhiều axit alpha linoleic (ALA) – là một loại axit béo omega-3 có tác dụng chống viêm. Một số loại hạt khác lại rất giàu magiê, l-arginine và vitamin E – các dưỡng chất có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng viêm khớp.
Những loại hạt và quả hạch rất tốt cho người bệnh viêm khớp dạng thấp như hạt óc chó, hạnh nhân, hạt lanh, đậu phộng, hạt chia, hạt dẻ cười…
3. Người bị bệnh viêm khớp dạng thấp nên tránh ăn gì?
Bên cạnh những thực phẩm nên ăn, người bệnh cũng nên tránh những loại thực phẩm dưới đây:
3.1. Thịt đỏ và những thịt đã qua chế biến
Nghiên cứu cho thấy nếu ăn nhiều thịt đỏ (thịt heo, thịt bò, thịt dê…) và các loại thịt đã qua chế biến như giăm bông, xúc xích, thịt xông khói… sẽ làm tăng các triệu chứng của bệnh. Nguyên nhân là do những loại thịt này sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất chất interleukin-6 (IL-6), protein phản ứng C (CRP) và homocysteine – là các dấu hiệu viêm trong cơ thể.
Ngoài ra, ăn nhiều thịt đỏ cũng làm tăng nguy cơ gây viêm khớp dạng thấp. Ngược lại, nếu chế độ ăn ít hoặc không có thịt đỏ sẽ giúp cải thiện các triệu chứng viêm khớp một cách rõ rệt.
3.2. Các sản phẩm từ sữa
Sữa cũng là một thực phẩm góp phần làm tăng tình trạng viêm ở người bệnh bị viêm khớp dạng thấp. Đó là do chúng chứa nhiều chất béo bão hòa – tác nhân gây viêm.
Nếu như bạn vẫn muốn duy trì bổ sung sữa trong thực đơn của mình, hãy chọn những sản phẩm sữa ít béo thay vì chọn loại sữa nguyên kem.
3.3. Thực phẩm chứa nhiều muối
Nếu nạp quá nhiều muối không chỉ gây hại cho huyết áp. Nếu bạn bị viêm khớp dạng thấp và đang dùng thuốc steroid điều trị, những triệu chứng sẽ có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn. Người bệnh bị viêm khớp dạng thấp người bệnh nên đặt mục tiêu nạp ít hơn 5g muối mỗi ngày.
3.4. Thực phẩm có chứa nhiều đường
Ăn quá nhiều đồ ngọt không tốt cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối với những người bị viêm khớp dạng thấp. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nạp quá nhiều thực phẩm chứa đường có thể sẽ làm trầm trọng hơn các triệu chứng bệnh, cũng như tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Cụ thể, trong một nghiên cứu với 1.209 người trưởng thành độ tuổi từ 20–30, những người thường uống đồ uống có đường fructose 5 lần mỗi tuần có nguy cơ cao bị viêm khớp dạng thấp gấp 3 lần so với những người không sử dụng. Đường được tìm thấy trong các loại kẹo, nước ngọt, kem, chè, bánh ngọt…
3.5. Những thực phẩm chứa gluten
Gluten là một nhóm các protein có chứa trong nhiều loại ngũ cốc chẳng hạn như lúa mạch, lúa mì, lúa mạch đen và triticale. Theo một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn không có hoặc có chứa ít gluten sẽ giúp làm giảm triệu chứng viêm do bệnh viêm khớp dạng thấp gây ra.
Muốn hạn chế dung nạp gluten, người bệnh viêm khớp dạng thấp cần cân nhắc trước khi ăn các loại bánh mì, bánh quy, pizza, nước ngọt, chất làm ngọt…
3.6. Những thực phẩm chế biến quá kỹ
Các món ăn được chế biến quá kỹ chẳng hạn như thức ăn nhanh, ngũ cốc ăn sáng và bánh nướng thường có chứa nhiều ngũ cốc tinh chế, đường bổ sung và chất bảo quản cùng các thành phần khác có khả năng gây viêm. Tất cả đều có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh viêm khớp.
Nghiên cứu cho thấy với chế độ ăn phổ biến của người phương Tây (bổ sung nhiều thực phẩm chế biến sẵn) là nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp do làm tăng tình trạng viêm và những yếu tố nguy cơ như thừa cân – béo phì.
Không những vậy, ở một cuộc khảo sát với 56 người bị viêm khớp dạng thấp, những người ăn nhiều thực phẩm đã chế biến quá kỹ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, do trong máu chứa nồng độ glycated hemoglobin (HbA1c) – là một dấu hiệu kiểm soát lượng đường trong máu một cách lâu dài.
3.7. Hạn chế sử dụng rượu

Vì rượu có thể làm trầm trọng thêm những triệu chứng bệnh viêm khớp, do đó, bất kỳ ai bị bệnh viêm khớp dạng thấp cũng nên hạn chế hoặc tránh uống rượu. Tình trạng nghiện rượu mạn tính còn có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ bị viêm xương khớp.
Ngoài ra, nếu bạn đang uống thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp mà uống rượu, sẽ gây hại cho các cơ quan ở trong cơ thể. Chẳng hạn như, uống rượu khi đang dùng các thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen và naproxen có thể sẽ gây chảy máu dạ dày, viêm loét dạ dày-tá tràng; uống rượu khi dùng acetaminophen, leflunomide (Arava) hoặc methotrexate có thể sẽ gây hại cho gan…
3.8. Hạn chế ăn nội tạng động vật
Tim, gan và bao tử động vật có chứa nhiều photpho, ăn nhiều sẽ khiến cho người bệnh cảm nhận rõ rệt những cơn đau khớp. Không chỉ vậy, họ còn có tình trạng sưng to tại đầu gối và mắt cá chân khiến tình trạng đi lại khó khăn vì đau nhức kéo dài.
3.9. Các sản phẩm Glycat hóa bền vững
Quá trình glycation nâng cao (AGEs) sẽ tạo ra những sản phẩm cuối cùng là các phân tử được tạo ra thông qua quá trình phản ứng giữa glucose (đường) và protein (đạm) hoặc lipid (chất béo). Chúng là những chất tồn tại tự nhiên trong các món ăn được chế biến từ động vật chưa nấu chín và được hình thành thông qua các phương pháp nấu nướng kĩ như chiên, quay, nướng hoặc ướp. AGEs sẽ tích tụ nhiều trong các loại thực phẩm chẳng hạn như thịt nướng, thịt xông khói, gà rán, bít tết áp chảo, xúc xích nướng… Hoặc các loại thức ăn như khoai tây chiên, phô mai, bơ thực vật và sốt mayonnaise cũng chứa rất nhiều AGEs.
Khi AGEs tích tụ với hàm lượng cao ở trong cơ thể, có thể xảy ra hiện tượng căng thẳng oxy hóa và viêm nhiễm. Hai triệu chứng này có liên quan tới sự tiến triển của bệnh viêm khớp.
Hãy thay thế những món ăn trên bằng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như rau, trái cây, các loại đậu và cá. Điều này sẽ giúp làm giảm tổng lượng AGE trong cơ thể người bệnh.
3.10. Các loại gia vị cay
Các loại gia vị cay như ớt, tiêu, mù tạt… chính là “thủ phạm” gây nên cơn nóng rát ở vùng khớp, làm các mô bị sưng tấy nặng hơn. Đó là lý do khiến chúng không được khuyến khích có mặt trong những khẩu phần ăn của người bệnh mắc viêm khớp dạng thấp.
4. Những lưu ý trong chế độ ăn của người bị viêm khớp dạng thấp
Xây dựng một thực đơn phù hợp mới là bước đầu tiên trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm khớp dạng thấp. Bước tiếp theo, người bệnh cần lưu ý những điều quan trọng sau:
- Cân bằng lượng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày: Cần đa dạng các món ăn từ nhiều nhóm thực phẩm để tránh tình trạng ăn quá nhiều một nhóm thực phẩm có thể dẫn đến ăn ít hoặc bỏ hẳn các loại thực phẩm khác. Bởi việc thiếu hụt hay dư thừa bất cứ chất dinh dưỡng nào cũng không tốt đối với sức khỏe của bệnh nhân viêm khớp.
- Chú ý lượng calo cần nạp hàng ngày, tránh ăn quá nhiều dẫn đến tăng cân: Thừa cân – béo phì chính là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh viêm xương khớp. Những người bệnh có chỉ số BMI vượt ngưỡng bình thường thì chỉ cần giảm một vài cân là có thể giảm bớt được áp lực cho khớp, nhờ đó giúp cải thiện các triệu chứng bệnh rõ rệt.
- Chọn phương pháp nấu ăn, chế biến phù hợp: Một số phương pháp nấu nướng có thể giúp bảo toàn nhiều chất dinh dưỡng của thực phẩm hơn so với những phương pháp khác. Cụ thể, người bệnh có thể hấp thay vì luộc, chiên nhẹ trong dầu lành mạnh thay vì chiên ngập dầu có thể sẽ giúp các dưỡng chất được giữ lại nhiều hơn. Việc hấp bằng lò vi sóng trong thời gian ngắn cũng sẽ giúp giữ được phần lớn hàm lượng các chất dinh dưỡng.
Trên đây là bài viết giải đáp thắc mắc cho câu hỏi người bị viêm khớp dạng thấp nên ăn gì? để giúp người bệnh có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh giúp cải thiện tình trạng đau nhức của bệnh viêm khớp dạng thấp và phòng ngừa bệnh tiến triển nặng.