Viêm khớp ngón chân là căn bệnh ai cũng có nguy cơ mắc phải. Vậy các nguyên nhân, biểu hiện và điều trị như thế nào, hãy cùng Dược Mỹ Phẩm Khang Linh tìm hiểu về căn bệnh viêm khớp ngón chân.
Xem thêm:
- Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp là xét nghiệm gì?
- Bệnh viêm khớp dạng thấp có di truyền hay không?
- Viêm khớp xương chậu: Nguyên nhân và cách điều trị bệnh
- Tìm hiểu chung về căn bệnh viêm khớp ngón chân
Nội dung bài viết
1. Bệnh viêm khớp ngón chân là gì? Các dấu hiệu nhận biết
Viêm khớp ngón chân là tình trạng viêm ở các khớp bàn chân trước, trong đó khớp metatarsophalangeal (MTP) nối giữa ngón chân cái với phần còn lại của bàn chân thường sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các dấu hiệu thường gặp của bệnh viêm khớp ngón chân đó là:

1.1. Đau khớp
Khớp ngón chân là nơi tập trung nhiều dây thần kinh và có vai trò một phần trong việc nâng đỡ cơ thể. Khi khớp ngón chân bị viêm thì biểu hiện dễ nhận nhất là cảm thấy đau nhức khó chịu tại các ngón chân hoặc chỉ ở một ngón chân cái.
Khi di chuyển, cảm giác đau nhức sẽ càng nặng nề hơn. Do đó, việc cử động và di chuyển cũng trở nên khó khăn hơn.
1.2. Cảm giác cứng khớp
Cứng khớp cũng là triệu chứng phổ biến của bệnh viêm khớp ngón chân. Nếu như tình trạng viêm không được cải thiện, theo thời gian sẽ làm mòn phần sụn khớp. Đồng thời làm viêm ở các mô và tổn thương dịch khớp. Khi đó, khớp ở ngón chân sẽ bị cứng lại, tê bì và trở nên kém linh hoạt hơn.
Cứng khớp xảy ra khiến cho các ngón chân mất khả năng gập và duỗi như bình thường. Nếu đi lại, cơ thể sẽ khó đứng vững do không có giữ được cân bằng và dễ bị ngã.
1.3. Ngón chân bị sưng và nóng ran
Khi khớp bị viêm sẽ kèm theo tình trạng sưng ở ngón chân. Tình trạng ngón chân bắt đầu chuyển sang hồng đỏ và nóng khi chạm vào. Hiện tượng này thường xuất hiện khi ngồi lâu hoặc khi mới dậy vào buổi sáng. Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy nóng ran ở cả bàn chân.
1.4. Thay đổi hình dạng và kêu răng rắc
Ngón chân bị sưng to và biến đổi hình dạng so với trước đây. Đó là do khi sụn mỏng dần và các đầu xương tiếp xúc với nhau dẫn tới tình trạng lồi khớp.
Bên cạnh đó, tiếng kêu răng rắc thi thoảng xuất hiện ở các ngón chân, là do sự suy giảm của sụn và miếng đệm với các khớp xương. Sụn bị bào mòn khiến các khớp xương cọ sát với nhau hơn, tạo ra âm thanh răng rắc.
1.5. Khớp khó cử động
Khớp ngón chân khi bị sưng viêm quá mức sẽ mất đi khả năng uốn cong, khiến cho việc cử động trở nên khó khăn rất nhiều. Thêm vào đó, ngón chân mất khả năng chống đỡ cơ thể sẽ khiến cho người bệnh khó đứng dậy và đi lại bình thường.
Nhiều trường hợp vì sợ đau, sợ ngã và ít vận động khớp ngón chân là yếu tố khiến cho cơ chân bị teo nhỏ lại. Cơ khớp không được vận động trong thời gian dài sẽ trở nên bé hơn.
2. Một số nguyên nhân gây bệnh viêm khớp ngón chân
Các yếu tố có thể dẫn đến bệnh viêm khớp ngón chân đó là:
2.1. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mãn tính do rối loạn tự miễn ở trong cơ thể gây ra. Bệnh sẽ tiến triển phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều khớp của cơ thể như: cổ tay, bàn tay, bàn chân, mắt cá chân, ngón chân…
2.2. Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là một rối loạn mãn tính gây tổn thương sụn khớp và phần xương dưới sụn. Khi khớp bị thoái hóa, lớp sụn khớp sẽ bị bào mòn hoặc mất đi để trơ ra phần đầu xương dưới sụn, vùng xương dưới sụn cũng sẽ thay đổi cấu trúc dẫn đến các chất gây viêm. Từ đó xuất hiện một số triệu chứng đau khớp, sưng tấy, cứng khớp và có tiếng lạo xạo khi cử động,…
2.3. Viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến là một trong những căn bệnh viêm khớp do bệnh lý tự miễn, xảy ra ở những bệnh nhân mắc bệnh vảy nến, là bệnh có đặc trưng bởi sự xuất hiện mảng da đỏ có vảy bạc.
Viêm khớp vảy nến có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp trên cơ thể, bao gồm cả đốt cột sống và các khớp nhỏ như là: ngón chân, đốt ngón tay theo mức độ từ nhẹ đến nặng. Viêm khớp vảy nến nếu như không được can thiệp kịp thời và đúng cách, có thể khiến cho người bệnh chịu thương tật vĩnh viễn.
2.4. Viêm khớp nhiễm khuẩn
Viêm khớp nhiễm khuẩn là bệnh khớp bị viêm do các vi khuẩn hoặc nấm. Bệnh phát triển khi các vi khuẩn từ một vị trí nào đó của cơ thể theo dòng máu di chuyển đến các khớp hoặc cũng có thể do vi khuẩn từ môi trường ở bên ngoài xâm nhập trực tiếp vào khớp thông qua các vết thương hở hoặc phẫu thuật. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở vùng khớp gối và khớp hông, đôi khi cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp nhỏ ở bàn chân.
2.5. Gout
Gout là một dạng viêm khớp phổ biến, xảy ra là do rối loạn chuyển hóa purin, làm tăng nồng độ acid uric trong máu, dẫn đến sự lắng đọng của các tinh thể muối urat ở trong các khớp, gây ra tình trạng viêm, sưng tấy và đau dữ dội. Bệnh thường ảnh hưởng đến các ngón chân cái, mắt cá chân, đầu gối và cổ tay.
2.6. Do chấn thương
Chấn thương ở ngón chân khi làm việc, chơi thể thao hoặc do tai nạn có thể làm hư hại tới khớp, góp phần vào sự phát triển của bệnh viêm khớp ngón chân. Các chấn thương mà ngón chân dễ gặp phải như là gãy xương ngón chân, trật khớp và bong gân ngón chân.
3. Bệnh viêm khớp ngón chân có nguy hiểm không?
Bệnh viêm khớp ngón chân mặc dù thường không đe dọa đến tính mạng nhưng có thể khiến cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, đời sống sinh hoạt của người bệnh bị giảm sút, bởi vì các triệu chứng của bệnh thường xuyên xuất hiện.
Đặc biệt, nếu như bị viêm khớp ngón chân mà không được chữa trị kịp thời và đúng cách thì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như là hình thành gai xương, biến dạng ở các khớp, dị tật ở các ngón chân, thậm chí là mất đi khả năng vận động.
Đó là chưa kể, một số dạng viêm khớp như là viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến hoặc gout, bên cạnh đó gây ra các tổn thương ở khớp, thì còn làm ảnh hưởng đến chức năng của nhiều bộ phận khác như là: mắt, phổi, da, tim hay là mạch máu…
4. Khi nào người bệnh cần phải đến gặp bác sĩ?
Viêm khớp ngón chân thường có diễn biến rất phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng khó hồi phục. Chính vì vậy, ngay khi thấy ngón chân có các triệu chứng đau nhức, sưng đỏ một cách bất thường kéo dài hơn 1 tuần không có dấu hiệu thuyên giảm. Người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và chẩn đoán được chính xác nguồn gốc của cơn đau, từ đó có các giải pháp điều trị sớm và phù hợp để bảo tồn khớp tối đa.
5. Các phương pháp chẩn đoán bệnh viêm khớp ngón chân
Bệnh viêm khớp ngón chân có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Do đó, để đưa ra được đánh giá một cách chuẩn xác nhất về tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành kết hợp nhiều phương pháp kiểm tra khác nhau như là:
- Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng các triệu chứng ở bên ngoài, khả năng cử động của các ngón chân, mức độ đau cùng với vùng chịu ảnh hưởng của cơn đau… Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh một số vấn đề liên quan đến tình trạng bệnh như là: Các triệu chứng bệnh xuất hiện từ bao giờ, mức độ đau như thế nào, ngoài các dấu hiệu ở ngón chân thì sức khỏe có gì bất thường khác hay không?
- Xét nghiệm: Sau khi có được kết luận ban đầu từ việc thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện xét nghiệm máu để tìm một số dấu hiệu viêm (protein C phản ứng CRP), kháng thể hoặc axit uric để xác định xem bệnh viêm khớp ngón chân có liên quan đến các bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc gút hay không?.Đôi khi, bác sĩ có thể tiến hành chọc hút dịch khớp để xét nghiệm kiểm tra nhiễm trùng, tinh thể axit uric và loại trừ được các nguyên nhân gây viêm khớp khác.
- Kiểm tra hình ảnh: Người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định chụp X – quang, cộng hưởng từ MRI hoặc CT scan để xác định cụ thể thành phần nào trong khớp đang bị tổn thương bởi phản ứng viêm. Ngoài ra, thông qua kiểm tra hình ảnh, bác sĩ có thể xác định mức được độ hư hại của sụn, xương dưới sụn, hệ thống mô mềm, sự bất thường của xương ngón chân.
6. Các phương pháp điều trị bệnh viêm khớp ngón chân
- Chườm nóng, chườm lạnh: Các liệu pháp này có thể làm dịu bớt cảm giác đau và giảm tình trạng sưng tấy, giúp cho các ngón chân được thoải mái hơn.
- Điều trị bằng các loại thuốc: Thuốc được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp ngón chân có thể là các loại thuốc kê đơn hoặc không kê đơn như là: thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc giảm đau, các thuốc chống thấp khớp hoặc các thuốc làm tan acid uric trong máu…Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi người bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định sử dụng các loại thuốc phù hợp.
Có rất nhiều người bệnh viêm khớp ngón chân thường tự sử dụng các loại thuốc để điều trị bệnh viêm khớp ngón chân khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Điều này có thể gây ra những tác dụng dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe như là: viêm loét dạ dày, suy gan, thận,…
Do đó, người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc hoặc tăng liều lượng của thuốc nếu như chưa có sự đồng ý của các bác sĩ chuyên khoa. Trong quá trình sử dụng, nếu như gặp phải các triệu chứng đau bụng, phù (tăng cân) thì phải ngừng thuốc và báo với các bác sĩ để xử trí các tác dụng phụ.
- Tiêm Cortisone: Nếu cơn đau không thuyên giảm bằng thuốc uống, bác sĩ có thể tiêm Cortisone trực tiếp vào quanh ngón chân. Mặc dù phương pháp điều trị này có thể giúp giảm đau một cách nhanh chóng nhưng dễ gây ra biến chứng nhiễm trùng, bắt buộc phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa, tại các cơ sở y tế có uy tín.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị được lựa chọn cuối cùng cho bệnh viêm khớp ngón chân. Dựa vào mức độ tổn thương khớp mà các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện: Phẫu thuật loại bỏ các gai xương ở xung quanh khớp, cắt bỏ hoặc thay thế khớp.
Lưu ý: Trong thời gian điều trị bệnh viêm khớp ngón chân nên để cho ngón chân nghỉ ngơi, thư giãn, hạn chế việc đi lại, đứng quá lâu, tránh việc mang giày cao gót, đặc biệt là không được vận động nặng để giảm thiểu áp lực lên các khớp. Vì khi người bệnh đi lại nhiều, các khớp ngón chân sẽ phải hoạt động một cách liên tục, làm tăng nặng các triệu chứng đau, viêm, đồng thời khiến cho sụn và xương dưới sụn cũng rất dễ bị mòn, hư tổn.

8. Các phương pháp phòng ngừa viêm khớp ngón chân
Khi khớp ngón chân bị viêm cho dù vì bất kỳ nguyên nhân nào thì cũng có nguy cơ làm tổn thương đến chức năng của các khớp, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống công việc của người bệnh. Do đó, nên chủ động phòng ngừa bệnh ngay từ sớm bằng các thói quen sống lành mạnh là điều hết sức cần thiết.
- Cố gắng tránh các chấn thương khi làm việc, chơi thể thao hoặc khi tham gia các hoạt động giải trí.
- Lựa chọn đi các loại giày vừa vặn, thoải mái, hạn chế đi giày cao gót quá cao.
- Nếu mắc phải các bệnh tự miễn, hãy tuân thủ theo kế hoạch điều trị của bác sĩ để kiểm soát được bệnh, ngăn ngừa các tổn thương khớp.
- Duy trì thực hiện các bài tập bàn chân và ngón chân để giúp cho các ngón chân hoạt động linh hoạt, đồng thời tăng cường việc điều tiết dịch nhờn.
- Xây dựng một chế độ ăn uống hàng ngày khoa học, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Tăng cường các loại rau củ quả, hạn chế việc tiêu thụ các chất béo, đường, rượu bia. Nếu có thể hãy từ bỏ việc sử dụng thuốc lá.
- Từ bỏ các thói quen bẻ các khớp ngón chân.
- Tích cực luyện tập các bộ môn thể thao, duy trì cân nặng ở mức hợp lý, không để béo phì.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần nếu như có nguy cơ cao để phát hiện ra bệnh sớm và có giải pháp khắc phục bệnh kịp thời.
Như vậy, bài viết trên đã cung cấp một số kiến thức cơ bản về căn bệnh viêm khớp ngón chân mà người bệnh nên biết. Tốt nhất khi bị bệnh nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị bệnh đúng cách.