Viêm khớp vai là tình trạng bệnh lý xảy ra ở nhiều người, đặc biệt là những người cao tuổi, phải thường xuyên làm công việc nặng nhọc liên quan đến vùng cổ vai. Bệnh gây ra những cơn đau nhức khó chịu ảnh hưởng lớn đến các vận động và sinh hoạt của người bệnh. Hãy cùng Dược Mỹ Phẩm Khang Linh tìm hiểu về bệnh viêm khớp vai để có cách nhìn tổng quan nhất.
Xem thêm:
- Đau vai gáy uống thuốc gì? Top 8 loại thuốc bạn nên dùng khi đau vai gáy
- Gợi ý 10+ bài tập yoga giúp giảm đau vai gáy hiệu quả
- Gợi ý những tư thế ngủ cho người bị đau cổ vai gáy
- [Xem ngay] Một số thông tin cần biết về tình trạng đau cổ vai gáy
Nội dung bài viết
1. Bệnh viêm khớp vai là gì?

Viêm quanh khớp vai hay còn được gọi viêm quanh khớp vai là các bệnh lý viêm cấu trúc phần mềm quanh khớp vai bao gồm gân, túi thanh dịch, bao khớp, trừ các bệnh lý có liên quan đến các tổn thương đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch như tình trạng viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp,… Viêm khớp vai thường hay gặp nhất là từ tổn thương gân cơ trên vai và bó dài gân nhị đầu cánh tay. Có 4 thể lâm sàng của bệnh viêm khớp xương vai, bao gồm:
- Thể đau khớp vai đơn thuần.
- Thể đau khớp vai cấp.
- Thể giả liệt khớp vai.
- Thể đông cứng khớp vai.
2. Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây viêm khớp vai
Viêm quanh khớp vai thường xảy ra khi có các tổn thương ở các phần mềm quanh khớp do chấn thương kéo dài hoặc do thoái hóa. Đây là bệnh lý có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, theo thống kê cho thấy nam giới sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn so với nữ giới, gây khó khăn cho người bệnh cả trong công việc và sinh hoạt thường ngày. Dưới đây là một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh mà bạn cần phải lưu ý để có những biện pháp phòng ngừa bệnh hợp lý:
- Tuổi tác: Những người ngoài độ tuổi 50 thường có nguy cơ rất cao mắc bệnh viêm quanh khớp vai. Do ảnh hưởng của quá trình lão hóa tự nhiên diễn ra trong cơ thể mà hệ phần mềm ở vùng khớp vai như bao gân, bao khớp, túi thanh dịch… sẽ dần bị thoái hóa gây ra viêm đau và hình thành bệnh.
- Di truyền: Theo nghiên cứu y khoa cho thấy, nếu như bạn có người thân trong gia đình có tiền sử bị viêm quanh khớp vai sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn 2 – 3 lần so với những người khác.
- Chấn thương: Những chấn thương ở khớp vai do va đập, tai nạn giao thông hay tai nạn nghề nghiệp sẽ khiến các tổ chức xung quanh vai bị tổn thương cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh thường hay gặp.
- Tính chất công việc: Những người làm công việc thường xuyên phải lặp lại các hoạt động ở khớp vai và cánh tay sẽ khiến cho phần mềm ở quanh khớp bị tổn thương gây ra viêm quanh khớp. Một số nghề nghiệp có nguy cơ mắc bệnh cao, chẳng hạn như là vận động viên, tài xế đường dài, giáo viên…
- Do thói quen sinh hoạt xấu: Các thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày như ngủ nghỉ không đúng tư thế, lười vận động thể dục, tập luyện quá sức,…cũng là một trong những yếu tố, nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp vai.
- Thời tiết: Nếu thời tiết có sự thay đổi thất thường như từ nóng ẩm sang lạnh khô hoặc ngược lại sẽ rất dễ kích thích đến vùng khớp vai và gây ra bệnh.
- Bệnh lý: Tình trạng viêm quanh khớp vai cũng có thể xảy ra do người bệnh mắc một số bệnh lý khác bao gồm thoái hóa dây chằng, thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ, chấn thương sọ não, viêm màng não, tiểu đường, ung thư vú,…
- Các nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân phổ biến ở trên thì tình trạng viêm khớp vai cũng có thể xảy ra do người bệnh thường xuyên khuân vác vật nặng, từng phẫu thuật khớp vai hoặc thực hiện nắn gãy xương bả vai, bệnh nhân bị đột quỵ não, thường sử dụng các loại thuốc Tây y như thuốc kháng lao,…
3. Triệu chứng viêm khớp vai thường gặp và phương pháp chẩn đoán bệnh
Viêm khớp vai gồm 4 thể lâm sàng cùng với những diễn tiến phức tạp, người bệnh thường gặp phải tổn thương phần mềm quanh khớp và gây khó khăn trong quá trình vận động. Viêm khớp vai có thể được chẩn đoán bằng các dấu hiệu riêng biệt của từng thể bệnh, từ đó sẽ có giải pháp điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Việc chẩn đoán bệnh dựa trên các kết quả lâm sàng: Ấn đau chói tại chỗ các vị trí tương ứng của gân như phần đầu dài gân nhị đầu, các điểm bám gân trên gai, gân dưới gai… kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng, chủ yếu là siêu âm phần mềm vùng khớp vai.
3.1. Thể bệnh đau khớp vai đơn thuần
Tình trạng bệnh này thường gặp ở những người trên 50 tuổi, hoặc ở những người trẻ gặp các chấn thương trong thể thao gây ra viêm các gân của khớp vai, chẳng hạn như viêm đầu dài gân nhị đầu, gân cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ dưới vai và cơ tròn nhỏ.
3.1.1. Triệu chứng
- Xuất hiện các cơn đau vai khi vận động đột ngột, quá mức hoặc gặp những chấn thương liên tiếp ở vai. Cơn đau có thể sẽ tăng dần lên khi cử động vai như nâng cánh tay hay co cánh tay đối kháng… đồng thời, cơn đau tăng dần về đêm.
- Cơn đau tăng lên, thậm chí là lan tỏa xuống cánh tay, cẳng tay mỗi khi nằm tì vào vai khiến cho người bệnh khó chịu, đau đớn và không thể nằm nghiêng được.
3.1.2. Chẩn đoán
- X-quang: Nếu khớp vai bình thường hoặc hình ảnh có một hay nhiều điểm canxi hóa tại gân.
- Siêu âm: Hình ảnh ở gân giảm âm so với bình thường. Trường hợp gân bị vôi hóa có thể sẽ thấy nốt tăng âm kèm theo bóng cản ở gân và dịch bao quanh gân nhị đầu, trên Doppler năng lượng có thể nhìn thấy hình ảnh tăng sinh mạch trong gân hoặc ở bao gân.
3.2. Thể đau vai cấp tính
Hiện tượng này xảy ra do tình trạng viêm túi thanh mạc từ vi tinh thể của quá trình canxi hóa các gân cơ ở chóp xoay và sự di chuyển canxi hóa vào túi thanh mạc vùng dưới mỏm cùng cơ delta.
3.2.1. Triệu chứng
Cơn đau đột ngột và dữ dội lan rộng từ khắp vai xuống cánh tay, sau đó lan lên cổ và xuống bàn tay khiến cho người bệnh mất vận động khớp vai và đau nhức mất ngủ.
Bên ngoài chỗ viêm khớp vai có thể bị sưng, nóng… khiến người bệnh có thể sốt nhẹ.
3.2.2. Chẩn đoán
X-quang: Khớp vai sẽ có các nốt canxi hóa với kích thước khác nhau ở khoảng cùng vai – mấu động, các nốt này có thể biến mất sau vài ngày.
Siêu âm: Có thể nhìn thấy các nốt tăng âm kèm theo bóng cản ở gân và có thể bị ứ dịch ở bao thanh dịch phía dưới mỏm cùng vai. Trên Doppler năng lượng sẽ thấy hình ảnh tăng sinh mạch trong gân, ở bao gân và bao thanh dịch.
3.3. Thể bệnh giả liệt khớp vai
3.3.1. Triệu chứng
Người bệnh sẽ gặp các dấu hiệu đau quanh khớp vai dữ dội và có thể kèm theo tiếng kêu răng rắc mỗi khi cử động do các gân cơ chóp xoay bị đứt đột ngột.
Thêm vào đó, có thể người bệnh xuất hiện vết bầm tím ở phần trước trên cánh tay, đau nhức và mất vận động. Sau đó, cơn đau nhức khớp vai có thể hết nhưng người bệnh vẫn chưa thể khôi phục được khả năng vận động của khớp vai.
3.3.2. Chẩn đoán
X-quang khớp vai với thuốc cản quang sẽ cho thấy hình ảnh đứt các gân cơ chóp xoay với hình ảnh cản quang của các túi thanh mạc dưới mỏm cùng cơ delta, có thể sẽ phát hiện tình trạng đứt gân trên từ hình ảnh chụp cộng hưởng từ MRI.
Siêu âm: Đứt gân nhị đầu và không thấy hình ảnh gân nhị đầu ở hố liên mấu động hay phía trong hố liên mấu động, có thể sẽ có dấu hiệu tụ máu trong cơ mặt trước cánh tay. Nếu như đứt gân trên gai sẽ thấy các gân mất tính liên tục, có hiện tượng co rút ở hai đầu gân đứt và có thể có dịch ở vị trí đứt.
3.4. Thể bệnh đông cứng khớp vai
3.4.1. Triệu chứng
Người bệnh mắc chứng đông cứng ở khớp vai có thể gặp phải các cơn đau kiểu cơ học, đặc biệt là cơn đau thường tăng về đêm.
Sau vài tuần, cơn đau sẽ giảm dần nhưng vùng vai sẽ bị đông cứng, hạn chế quá trình vận động, không thể đưa tay lên cao hay dang cánh tay hoặc xoay ngoài.
3.4.2. Chẩn đoán
X-quang khớp vai với thuốc cản quang có thể nhìn thấy hình ảnh khoang khớp thu hẹp chỉ còn 5-10ml (trong khi bình thường là 30-35ml), giảm cản quang khớp, đồng thời các túi cùng màng hoạt dịch biến mất.
Chụp cộng hưởng từ khớp vai cho thấy bao khớp dày và phù nề.
4. Các phương pháp điều trị bệnh viêm khớp vai
Để điều trị bệnh viêm khớp vai, cần có sự kết hợp giữa các biện pháp khác nhau bao gồm điều trị nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng sau khi điều trị.
4.1. Điều trị bệnh nội khoa
Đối với các thuốc giảm đau thông thường: Dùng thuốc theo phác đồ bậc thang của Tổ chức Y tế Thế giới hoặc theo chỉ định của các bác sĩ chữa trị.
Đối với nhóm thuốc chống viêm không steroid: Người bệnh có thể sẽ được chỉ định sử dụng một số loại thuốc giúp giảm đau.

Tiêm corticoid tại chỗ: Phương pháp này thường được áp dụng cho người bệnh ở thể đau khớp vai đơn thuần. Người bệnh có thể được chỉ định tiêm trực tiếp vào bao gân, bao thanh dịch dưới cơ delta, người bệnh tiêm 1 lần duy nhất và tiêm nhắc lại sau 3-6 tháng nếu như bị đau trở lại.
Dùng các loại thực phẩm bổ sung để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh thoái hóa khớp.
Có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt và vận động hợp lý: Giai đoạn ở thể đau vai cấp cần để vai được nghỉ ngơi, khi việc điều trị có hiệu quả mới bắt đầu việc tập luyện để giúp phục hồi chức năng khớp vai. Tránh làm việc, lao động nặng quá mức, cũng như những tác động trực tiếp lên vùng khớp vai.
Nội soi ổ khớp vai để lấy các tinh thể canxi bị lắng đọng.
Đối với các trường hợp đứt bán phần các gân mũ cơ quay do tổn thương từ chấn thương ở người bệnh dưới 60 tuổi: Có thể tiêm huyết tương giàu tiểu cầu. Đây là một chế phẩm từ máu cùng với hàm lượng tiểu cầu cao, trong đó có chứa nhiều yếu tố tăng trưởng cùng các phân tử sinh học giúp kích thích khả năng hồi phục tự nhiên của cơ thể, từ đó đẩy nhanh quá trình hồi phục tại chỗ của các mô tế bào đang bị tổn thương và làm chấm dứt nhanh các cơn đau, cũng như đảm bảo hiệu quả điều trị.
4.2. Điều trị bệnh ngoại khoa
Phẫu thuật nối gân bị đứt: Phương pháp này thường được chỉ định với thể giả liệt khớp vai, đặc biệt là đối với người trẻ tuổi bị đứt gân vùng khớp do các chấn thương. Trường hợp bị đứt gân do thoái hóa ở những người trên 60 tuổi, việc quyết định phẫu thuật cần phải có sự thăm khám, tư vấn cũng như chỉ định hết sức cẩn trọng từ bác sĩ.
Người bệnh cũng cần tái khám định kỳ mỗi 1-3 tháng theo sự chỉ định của các bác sĩ điều trị.
4.3. Vật lý trị liệu hỗ trợ
Người bệnh có thể giảm đau tại chỗ bằng cách xoa bóp, bấm huyệt hay châm cứu… Giai đoạn không có tình trạng sưng, nóng có thể áp dụng các liệu pháp nhiệt chẳng hạn như: hồng ngoại, sóng ngắn, sóng siêu âm, bó nến…
Vận động đúng cách: Giai đoạn sưng, đau nhiều cần hạn chế vận động vùng gân bị tổn thương, sau chữa trị cần tập luyện để khôi phục chức năng vận động của khớp vai.
5. Cách phòng tránh bệnh viêm khớp vai
Để giảm các tác động, áp lực lên phần khớp vai góp phần ngăn chặn, phòng ngừa viêm quanh khớp vai, người bệnh cần phải lưu ý những điều sau đây:
- Tránh làm việc quá sức hay mang vác nặng.
- Thận trọng trong những vận động sinh hoạt hàng ngày để tránh những chấn thương khớp vai.
- Không nên thay đổi tư thế vai đột ngột, cần làm nóng và co duỗi vai trước khi vận động.
- Dành thời gian để nghỉ ngơi sau những công việc sử dụng vai trong một thời gian dài và tránh tác động chèn ép vai.
- Phát hiện sớm các thể bệnh viêm khớp vai thông qua những triệu chứng bệnh được nêu trên để có hướng điều trị bệnh kịp thời và đúng cách.
Trên đây là bài viết về tình trạng bệnh viêm khớp vai để giúp người bệnh có thể biết được nguyên nhân và tình trạng bệnh. Từ đó có phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh giúp cải thiện các triệu chứng và đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.