Viêm khớp vảy nến là bệnh lý viêm khớp có liên quan đến bệnh vảy nến, biểu hiện bệnh gần giống với viêm khớp dạng thấp nên gây ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống của người bệnh. Bệnh giống như một bệnh ngoài da nên nhiều người chủ quan và nhầm tưởng rằng nó không nguy hiểm nên khiến cho quá trình điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn. Hãy cùng Dược Mỹ Phẩm Khang Linh tìm hiểu về bệnh viêm khớp vảy nến để được hiểu rõ.
Nội dung bài viết
1. Tổng quan về bệnh viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến là bệnh lý hay gặp ở bệnh nhân mắc vảy nến. Đây được coi là một loại viêm khớp mạn tính. Theo thống kê, tình trạng viêm khớp vảy nến chiếm 10 – 30% bệnh nhân bị vảy nến, trong đó có khoảng 80% trường hợp có viêm khớp xuất hiện sau các tổn thương vảy nến và 15% xuất hiện đồng thời. Và chỉ có 10% trường hợp viêm khớp xuất hiện trước khi có những tổn thương da.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, khoảng 40% bệnh nhân bị viêm khớp vẩy nến có tiền sử gia đình từng mắc bệnh vảy nến hoặc viêm khớp. Trong đó, có 15% những người bị bệnh vảy nến phát triển thành viêm khớp vảy nến. Bệnh này thường xuất hiện ở độ tuổi từ 30 – 50 tuổi.
2. Triệu chứng của bệnh viêm khớp vảy nến
Đây là bệnh lý mạn tính và có thể tiến triển tồi tệ hơn theo thời gian, tuy nhiên cũng có những giai đoạn các triệu chứng bệnh thuyên giảm xen kẽ với những đợt cấp. Viêm khớp do bệnh vảy nến còn có thể ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ xương khớp ở vị trí hai bên cơ thể hoặc chỉ một bên. Giống như bệnh lý viêm khớp dạng thấp, bệnh này cũng sẽ gây cảm giác đau đớn, sưng phồng và cảm giác ấm khớp khi chạm tay vào.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng khác như sau:
- Sưng phồng ở các ngón tay, ngón chân: Người bệnh có thể gặp phải tình trạng đau nhức và sưng ở ngón tay, ngón chân hoặc cũng có thể dẫn tới các dị tật ở tay chân.
- Đau nhức tại khắp các điểm mà gân và dây chằng bám vào xương, đặc biệt là ở phần lòng trong bàn chân hoặc mặt sau của gót chân (còn được gọi là viêm gân Achilles).
- Đau lưng: Một số trường hợp bệnh tiến triển nặng gây triệu chứng viêm cột sống, hay còn được gọi là viêm cột sống dính khớp ở các khớp đốt sống giữa cột sống và ở trong các khớp nằm giữa cột sống với xương chậu.
3. Những nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến là bệnh lý viêm khớp do bệnh lý tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn và tấn công những mô và tế bào khỏe mạnh bên trong cơ thể. Chính vì các phản ứng bất thường này của hệ miễn dịch đã gây ra hiện tượng viêm ở khớp xương, cũng như việc sản xuất quá mức của các tế bào tại da.
Hiện nay vẫn chưa rõ lý do khiến cho hệ miễn dịch tự tấn công các mô và tế bào khỏe mạnh, nhưng các yếu tố được cho là căn nguyên gây bệnh bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Theo thống kê cho thấy nhiều người bệnh có tiền sử gia đình từng mắc một trong hai bệnh vảy nến và viêm khớp do vảy nến. Các nghiên cứu này cũng chứng minh rằng yếu tố di truyền có liên quan lớn đến bệnh.
- Yếu tố môi trường: Do người bệnh có thể tiếp xúc với các hóa chất, các chất phóng xạ, bị nhiễm vi khuẩn, virus…
4. Biến chứng của bệnh viêm khớp vảy nến
Bệnh viêm khớp vảy nến có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể, cụ thể như sau:
4.1. Đối với hệ thống da, tóc và móng
Bệnh thường gặp ở những người bệnh vảy nến với các triệu chứng như mảng sần sùi, có màu đỏ trên da và móng, thường hay gặp nhất là các vị trí khớp gần móng ở ngón tay, ngón chân. Lúc này, các móng tay có thể trở nên dày, cứng và thô, đồng thời màu móng cũng sẽ thay đổi theo và có dấu hiệu bị bong tróc. Một số trường hợp khác móng cũng có thể tách khỏi giường móng hay còn gọi là ly móng.
4.2. Biểu hiện trên hệ cơ xương khớp
Cùng với sự tác động lên da, bệnh vảy nến cũng gây viêm đau, cứng và sưng ở một khớp hay nhiều khớp (viêm đa khớp) khiến cho người bệnh di chuyển khó khăn.
Trường hợp ngón tay và ngón chân sưng phù, có hình dạng giống với xúc xích gọi là viêm Dactyl.
Ngoài ra, một số bệnh nhân còn có triệu chứng đau ở cổ, lưng, gặp khó khăn khi gập duỗi cột sống. Bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống dây chằng và gân cơ xung quanh, gây mòn xương và gia tăng các bệnh lý ở hệ cơ xương khớp.
4.3. Đối với hệ thống miễn dịch
Bệnh viêm khớp vảy nến là căn bệnh tự miễn của hệ cơ xương khớp, tức là hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn và tấn công chính các tế bào có lợi ở trong cấu trúc của mình. Kết quả là có thể dẫn tới một số bệnh lý nhiễm trùng như viêm họng liên cầu khuẩn hay viêm da,…
4.4. Biểu hiện với thị lực
Thống kê cho thấy có khoảng 7% trường hợp bệnh nhân gặp các biến chứng viêm màng bồ đào – một bệnh lý có liên quan đến viêm mắt. Ngoài ra, một số ít trường hợp không được phát hiện sớm cũng như can thiệp kịp thời có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.
4.5. Đối với hệ tiêu hóa của người bệnh
Bệnh nhân bị viêm khớp vảy nến có nguy cơ mắc bệnh Crohn (đây là một loại bệnh viêm ruột gây ra triệu chứng tiêu chảy và các vấn đề khác tại đường tiêu hóa) gấp 8 lần so với những người bình thường.
4.6. Đối với hệ thống hô hấp
Khi tình trạng viêm khớp vảy nến lan rộng đến phổi có thể sẽ dẫn đến bệnh lý viêm phổi mô kẽ, bệnh nhân có thể có những triệu chứng như ho nhiều, cảm thấy cơ thể mệt mỏi và có thể khó thở.
4.7. Đối với hệ thống tim mạch
Thống kê cho thấy người bệnh có nhiều nguy cơ mắc phải những tổn thương ở hệ tim mạch và hệ thống mạch máu như gây tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, cholesterol cao… Khi tình trạng viêm có thể làm tổn thương các mạch máu khiến cho thành mạch cứng và dày hơn, có thể sẽ để lại sẹo và lâu dài làm tăng nguy cơ bị đột quỵ.
4.8. Đối với sức khỏe tâm thần người bệnh
Bệnh nhân có nguy cơ bị trầm cảm kéo dài, thường xuyên lo lắng, căng thẳng, mất đi sự tự tin, lạc quan… khi sống cùng với các triệu chứng đau nhức, khó chịu và dai dẳng của bệnh.
5. Cách chẩn đoán viêm khớp vảy nến
Thông thường, người bệnh sẽ được chỉ định tiến hành nhiều xét nghiệm và kiểm tra cận lâm sàng khác nhau để giúp loại trừ các nguyên nhân gây ra đau khớp.
5.1. Các triệu chứng lâm sàng
- Đau mắt đỏ.
- Đau khớp và sưng khớp trong một thời gian ngắn.
- Nổi mẩn đỏ và kèm theo cảm giác nóng tại chỗ sưng và đau khớp.
- Đau nhức ở dây chằng và mặt sau của gót chân.
5.2. Chẩn đoán hình ảnh
- X-quang: Hình ảnh chụp X-quang sẽ cho thấy rõ nét những thay đổi ở khớp và chỉ xảy ra trong viêm khớp vảy nến mà không có ở những người bệnh viêm khớp khác.
- Cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp chụp MRI sẽ dùng sóng radio và từ trường mạnh để giúp tạo ra những hình ảnh chi tiết nhất của cả mô cứng và mô mềm bên trong cơ thể. Đây chính là phương pháp giúp chẩn đoán được sử dụng nhiều nhất trong những trường hợp kiểm tra chấn thương ở phần gân, khớp và dây chằng.
5.3. Thực hiện các xét nghiệm
- Yếu tố dạng thấp (RF): Yếu tố dạng thấp là một trong những kháng thể có ở trong máu của những bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp, nhưng lại không có trong máu của bệnh nhân bị viêm khớp vảy nến. Do đó, việc phát hiện các yếu tố này sẽ giúp các bác sĩ phân biệt được chính xác hai bệnh, tránh sự nhầm lẫn khiến cho việc điều trị kéo dài và không trúng đích.
- Dịch tiết: Sử dụng một cây kim dài để thu được mẫu dịch ở những khớp bị viêm, thường là khớp gối để giúp xác định các tinh thể bệnh lý. Ví dụ, nếu các dịch khớp của bệnh nhân có tinh thể acid uric, thì xác suất bệnh nhân mắc bệnh gout sẽ cao hơn so với bệnh viêm khớp vảy nến.
6. Những phương pháp điều trị bệnh viêm khớp vảy nến
Hiện chưa có phương pháp nào điều trị triệt để bệnh viêm khớp vảy nến. Các phương pháp điều trị hiện tại chủ yếu tập trung giúp kiểm soát tình trạng viêm khớp, tránh làm ảnh hưởng nặng nề đến các khớp và cơ quan xung quanh, giúp ngăn ngừa các cơn đau và nguy cơ khiến tàn tật vĩnh viễn.
Phác đồ điều trị bệnh viêm khớp vảy nến là sự kết hợp điều trị các triệu chứng bệnh ngay sau khi xuất hiện, song song đó kết hợp với chữa lành các tổn thương tại da và khớp. Cụ thể như sau:
- Kết hợp việc điều trị bằng thuốc và hướng dẫn các biện pháp giúp khắc phục cho người bệnh; thực hiện tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng các cơ quan vận động.

- Đối với những tổn thương khớp nhẹ: Sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) đơn hoặc phối hợp cùng với tiêm corticosteroid tại vị trí viêm.
- Đối với tổn thương ở thể trung bình và nặng: Có thể sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh cơ bản như methotrexate hoặc các chế phẩm sinh học.
Đa số các loại thuốc dùng trong điều trị bệnh đều sẽ phát huy tác dụng trên những tổn thương ở da, cụ thể là các nhóm thuốc sau:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) sẽ giúp làm giảm tình trạng đau nhức, sưng tấy và cứng khớp vào mỗi buổi sáng, được dùng trong những liệu trình đầu tiên đối với bệnh nhân viêm khớp. Tuy nhiên, theo khuyến cáo thì bệnh nhân chỉ nên sử dụng những thuốc này với đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ và tránh việc quá liều gây ra kích ứng dạ dày, ruột, lâu ngày có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa. Bên cạnh đó, có thể gây hại cho thận, huyết áp, làm suy tim và trầm trọng các vấn đề ở da…
- Thuốc chống thấp khớp (DMARDs): Bên cạnh tác dụng làm giảm các triệu chứng đau và viêm khớp, nhóm thuốc này còn có tác dụng giúp hạn chế một phần những tổn thương xảy ra do tình trạng viêm khớp vảy nến. Tuy nhiên, DMARDs có tác dụng chậm nên người bệnh có thể nhận thấy tác dụng của thuốc sau vài tuần hoặc thậm chí cả tháng điều trị.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Nhóm thuốc này có tác dụng giúp ngăn chặn hệ thống miễn dịch cơ thể và bảo vệ cơ thể tránh khỏi những yếu tố gây bệnh có hại tấn công tới tế bào khỏe mạnh. Tuy nhiên, nhóm thuốc này còn có tác dụng phụ có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác của cơ thể như gan, thận… Do đó, khuyến cáo người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc đúng liều lượng.
- Chất ức chế TNF – alpha: Đây là nhóm thuốc thường được chỉ định sử dụng trong những trường hợp viêm khớp vảy nến có hoại tử và tác dụng ngăn chặn các protein gây viêm, cải thiện được các triệu chứng và ảnh hưởng của bệnh. Tuy nhiên, chất này có tác dụng phụ đặc biệt nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, do đó người bệnh cần phải tham khảo ý kiến và chỉ sử dụng nếu có chỉ định từ bác sĩ.
Lưu ý: Việc điều trị chỉ phát huy được hiệu quả nếu như được phát hiện sớm và điều trị đúng theo phác đồ. Người bệnh cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị, không nên tự ý dừng, đổi thuốc hoặc tự ý dùng thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ.
7. Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm khớp vảy nến
Ngoài các phương pháp điều trị trên, người bệnh cần thay đổi lối sống để có thể phòng ngừa được những nguy cơ mắc bệnh, làm giảm triệu chứng bệnh và biến chứng có thể xảy ra như:
- Hình thành thói quen tập thể dục, thể thao đều đặn hàng ngày nhằm giữ các khớp được linh hoạt và tránh tình trạng cứng khớp. Ngoài ra, còn giúp giảm cân và cung cấp năng lượng cho cơ thể khỏe mạnh hơn.
- Loại bỏ những thói quen xấu có thể gây hại đến sức khỏe người bệnh cũng như có hại cho khớp như hạn chế chất kích thích, rượu bia, không hút thuốc lá…
- Tránh căng thẳng, stress kéo dài làm cho các cơn đau khớp bùng phát mạnh và khiến bệnh tồi tệ hơn. Những bài tập yoga, ngồi thiền có thể giúp làm dịu tâm trí và xoa dịu cơn đau nhức.
- Đến ngay các cơ sở uy tín để được khám, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời để ngăn bệnh tiến triển nặng.
8. Biện pháp chăm sóc bệnh nhân
Một số biện pháp chăm sóc bệnh nhân tại nhà như sau:
- Thay đổi tư thế, cách thức làm việc và hoạt động sinh hoạt có thể làm ảnh hưởng đến xương khớp.
- Duy trì mức cân nặng cân đối và hợp lý.
- Nghỉ ngơi hợp lý và tránh căng thẳng kéo dài.
- Có chế độ dinh dưỡng phù hợp: Bổ sung nhiều trái cây, rau củ quả tươi, hạn chế chất đường, chất béo gây ra viêm nhiễm; bổ sung nguồn chất béo an toàn như cá, các loại hạt…
Trên đây là bài viết về tình trạng bệnh viêm khớp vảy nến, mong rằng người bệnh có những kiến thức tổng quan nhất về tình trạng bệnh để có phương pháp điều trị và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.